KHẢO-LUẬN

 

 

I.
THIỆU THẢO

 

Khảo-Luận Về
BÀI THIỆU

 

 

 

 

 

 

 

 

       Bài Thiệu là bài văn vần viết diễn-tả các chiêu-thức trong Bài Thảo để truyền dạy Môn-đồ và trình-bày dưới dạng mật-mã để bảo-tồn Hệ-Phái.

       Phương-cách diễn-tả bài Thìệu dưới dạng-thức mật-mã của Việt-Nam và Trung-Hoa khác nhau hoàn-toàn dù dùng chung một phương-tiện là văn vần, phần nhiều là viết theo thể Thơ Thất-Ngôn. Sự khác-biệt về phương-cách diễn-tả bài Thìệu này do quan-diểm Võ-Thuật trong bài Thảo Việt-Nam và bài Thảo Trung-Hoa tương-phản nhau. Các Chiêu-Thức trong Võ-Thuật Việt-Nam thì liên-kết với nhau, trong khi các Chiêu-Thức trong Võ-Thuật Trung-Hoa thì độc-lập với nhau.


       Bài Thiệu trong Võ-Thuật Trung-Hoa :

       Thật ra, trong Thảo-pháp Võ-Thuật Trung-Hoa, mỗi câu Thiệu viết bằng Thất-ngôn là để minh-định một Chiêu-Thức duy-nhứt : 4 chữ đầu dùng để định-danh cho Chiêu-Thức và 3 chữ sau cùng để định-nghĩa cho cách sử-dụng hoặc là để mô-tả, hay là để nhấn mạnh chủ-yếu của Chiêu-Thức.
       Bằng-chứng hiển-nhiên là bài Thiệu trong Thảo-pháp « Mai-Hoa Thương », viết theo thể Thơ Thất-Ngôn, gồm có 47 câu, 7x47=329 chữ, mà trong hầu hết mỗi câu Thiệu, 4 chữ đầu thì định-danh Chiêu-Thức, 3 chữ cuối-cùng thì định-nghĩa cách sử-dụng. Thí-dụ điển-hình như những Chiêu-Thức « Thượng-Bộ Cái Đỉnh, Thích Phúc Thượng », hay « Bạch-Hầu Chuyển Thân, Tảo Mi Thương », v.v. Khi phổ-biến cho tha-nhân, các Võ-Sư Trung-Hoa chỉ truyền cho 4 chữ đầu mà không truyền cho 3 chữ cuối mỗi câu Thiệu. Thành ra, lâu ngày bài Thiệu Võ-Thuật Trung-Hoa truyền tại Việt-Nam chẳng hạn, thì còn có 4 chữ đầu của mỗi câu Thiệu.
       Điều này đã khiến cho một số người sau này tưởng lầm rằng câu Thiệu của bài Thảo trong Võ-Thuật Hoa-tộc chỉ có 4 chữ và câu Thiệu của bài Thảo trong Võ-Thuật Việt-tộc có đến 7 chữ.
        

       Bài Thiệu trong Võ-Thuật Việt-Nam :

       Trong Thảo-pháp Việt-Nam, thì mỗi câu Thiệu viết bằng Thất-ngôn là để minh-định một số Chiêu-Thức liên-hoàn công-thủ : những chữ trong mỗi câu Thiệu đều có ý định-nghĩa cách sử-dụng và định-danh cho một số Chiêu-Thức kết-hợp với nhau, mà trong đó có khi mỗi Chiêu-Thức được viết ngắn gọn lại để có thể gói trọn nhiều Chiêu-Thức trong một câu Thiệu.

       Ngoài ra, các Bài Thảo trong Võ-Thuật Cổ-Truyền Việt-Nam còn được mật-mã hóa với dạng Thơ Tứ-ngôn (thí-dụ : "Thiền-Sư", "Chấp-Thủ Đỏan-Côn"), với dạng Thơ Ngũ-ngôn (thí-dụ : "Đồng-Nhì, "Phượng-Hoàng"), với dạng Thơ Lục-Bát (thí-dụ : "Yến-Phi", "Tấn-Hưng"), hoặc với các câu Thơ dài ngắn bất đồng (thí-dụ : "Thần-Đồng", "Ngũ-Môn Phá Trận").
       

       Cái Lợi và cái Hại trong lối Cấu-Trúc Bài Thiệu :

       - Cái lợi của phương-cách mật-mã-hoá trong Thảo-pháp Trung-Hoa là vừa định-danh chính-xác mỗi Chiêu-Thức lại vừa có thể che giấu cách áp-dụng thực-tiễn ; và nó quí báu ở chỗ hệ-thống-hoá chính-xác các Chiêu-Thức.
        Cái hại là nó khiến cho các môn-sinh (nhất là kẻ nào chỉ học được 4 chữ đầu mỗi câu Thiệu) cần được phân-thế từng câu Thiệu một mới biết áp-dụng để rồi phải tự tìm cách kết-nối từng Chiêu-Thức với nhau khi giao-chiến.
        Thí-dụ như Chiêu-Thức «Kim-Kê Độc-Lập, Điểm Hạ-Phương» trong bài Thảo-pháp «Mai-Hoa Thương» đã nói ở trên chẳng hạn ; nếu 3 chữ cuối cùng «Điểm Hạ-Phương» không được truyền cho môn-sinh, thì môn-sinh cần phải được phân-thế Chiêu-Thức «Kim-Kê Độc-Lập» trong Thương-pháp Mai-Hoa mới biết đặng cách áp-dụng.

       - Cái lợi của phương-cách mật-mã-hoá trong Thảo-pháp Việt-Nam là vừa ghi-nhận được tất cả các động-tác trong bài Thảo lại vừa khôn-khéo che giấu được cách áp-dụng thực-tiễn ; và nó quí báu ở chỗ diễn-đạt được hữu-hiệu sự liên-hoàn công-thủ.
        Cái hại là nó khiến cho Thảo-pháp rất dễ bị tam sao thất-bổn, nếu bài Thiệu bị viết sai và bị hiểu sai chánh-tả.
        Một thí-dụ điển-hình là bài Thiệu của Thảo-pháp « Ngọc-Trản Quyền 玉 琖 拳 » (tên thật là «Mộc-Thiều Quyền-pháp 沐 髫 拳 法 »), trong đó có câu « Luyện Diệp Liên Hoa Đả Sát Túc », mà ngày nay có người chép sai chánh-tả là « Uyển Diệp Liên Hoa Đả Sát Túc » vá có kẻ xóa bỏ luôn hai chữ « Luyện Diệp » ; thật là một việc vô-cùng đáng tiếc !
        Do sự đồng-dạng và đồng-âm vì sự la-tinh-hóa tiếng Việt bởi Alexandre de Rhodes (1591-1660), những người này đã hiểu ý-nghĩa một cách sai-lầm chữ Hán-Việt «Diệp» trong câu Thiệu là « Diệp 葉 » nghĩa là "Lá Cây" vì không từng biết động-từ Hán-Việt «Diệp 饁 » nghĩa là "Bưng thức ăn uống"».
        Và cũng chính vì vậy mà còn có người lại suy-diễn rằng trong câu Thiệu « Luyện Diệp Liên Hoa Đả Sát Túc », chữ "Diệp" là ám-chĩ thủ-pháp "Tay Xuyên Lá Cây" (Xuyên Diệp Thủ), cho nên họ đã không hề biết đến rằng thủ-pháp "Tay Bưng Chén Ngọc" trong bài Thảo-pháp Ngọc-Trản Quyền là đặc-điểm của mỗi Hệ-Phái.

Alexandre de Rhodes (1591-1660),
Cố-Đạo Jésuite đã La-Tinh-Hóa Việt-Ngữ.

Quyển Từ-Điển Việt-Nho La-Tinh đầu-tiên
của Cố-Đạo Jésuite Alexandre de Rhodes (1591-1660).


      

       Những Bài Thiệu Trong Các Hệ-Phái Võ-Thuật Cổ-Truyền Việt-Nam :

       Bài Thiệu của các Bài Thảo lưu-truyền lại trong các Hệ-Phái Võ-Thuật Cổ-Truyền Việt-Nam - cũng như trường-hợp các Bài Thiệu trong các Bài Thảo do cố Sư-Trưởng Trương-Thanh-Đăng truyền-thụ lại - đều bị phạm nhiều lỗi chánh-tả gây nên bởi nhiều lý-do. 

       Điểm đáng tiếc là có một vài cá-nhân, đã muốn sửa-chế lại Bài Thiệu của một số Bài Thảo đó, đã khiến cho càng gia-tăng lỗi chánh-tả trong câu Thiệu, rồi lại đưa lên các Mạng Lưới cùng với bản phiên-dịch ra tiếng Pháp-ngữ một cách vô-trách-nhiệm.

       Vì bản chánh viết bằng chữ Hán-Nôm không còn nữa, nên chỉ còn lại những bản phiên-dịch ra bạch-âm. Than ôi ! có một số người sau này - để ngụy-trang là chánh-bản - đã viết lại bằng Hán-tự theo những bản phiên-dịch ra bạch-âm đầy lỗi chánh-tả đó, khiến cho các câu Thiệu càng trở nên vô-nghĩa-lý (thí-dụ như Bài Thiệu « Nghiêm-Thương » chẳng hạn) !

       Bài Thiệu viết qua chữ quốc-ngữ theo mẫu-tự La-Tinh cần được hoàn-chỉnh về phuơng-diện chánh-tả trước khi được đem ra viết lại bằng Hán-tự, vì Hán-tự rất chính-xác, và đó là việc lo đảm-đương hữu-lý trong việc bảo-tồn và chấn-hưng di-sản Võ-Học Cổ-Truyền Việt-Nam.

 


Ban Võ-Sư
Võ-Trận Đại-Việt
Bình-Định Sa-Long-Cương
FRANCE

 

    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Copyright © 2004 - 2018 by ACFDV - All rights reserved.